BẠN ĐÃ DÙNG GỪNG ĐÚNG CÁCH CHƯA?
Vào vườn hái nắm tía tô
Hành tươi năm nhánh, trở vô trong nhà
Giật mình em chợt nghĩ ra
Gừng tươi còn món ấy mà lại quên
Củ gừng là một gia vị, một vị thuốc đặc biệt mà hình như nhà nào cũng có. Các vùng quê thì gia đình nào cũng có một vài bụi gừng hoặc đám gừng. Vậy chúng ta đã biết tác dụng trong đông y của gừng chúng ta đã biết chưa?Ngoài việc dùng gừng làm mứt, làm nước mắm,xào nấu rất nhiều món…thì gừng còn có những công dụng gì?
Nói về vị cay của gừng, luôn là một gia vị mà ông cha ta rất quý, bởi nó tượng trưng cho sự nồng ấm.
ƯỚC GÌ EM BIẾN THÀNH GỪNG
ANH BIẾN THÀNH CÁ Ở CHUNG MỘT NỒI
GỪNG có tên khoa học là Zingiber officinale. Củ gừng có nhiều cách dùng, chúng ta nên phân biệt để trị bệnh hữu hiệu.
GỪNG TƯƠI còn gọi là SINH KHƯƠNG.
CỦ GỪNG TƯƠI
Gừng tươi có tính cay nóng, ôn dương tán hàn. Thường dùng gừng để trị cảm mạo. GỪNG TƯƠI cắt lát mỏng thêm lá tía tô cho vào nước nóng để uống giải cảm. Nếu đem sắc thi giảm hiệu lực vì trong quá trình nấu sôi, tinh dầu bay hơi mất.
Gừng tươi ôn phế tán hàn, dùng tiêu đờm rất tốt.
Gừng tươi có tính cay ấm, phá huyết trệ, nó vào được các vùng khê cốc, thông đờm, thông khiếu, thông thần minh.Thường tà khí, chất độc vào cơ thể làm ứ trệ thần minh. Gừng tươi thanh được uế khí, làm cho thần minh thông suốt. Tâm chủ thần minh. Gừng tươi cay ôn nhưng không kích thích thần kinh.
Bài “Thiên kim phương”dùng gừng tươi luyện với mật ong trị ho suyễn.Hoặc dùng gừng tươi và đường phèn uống trị ho.
Gừng tươi có tính ôn trung tán hàn nên trị lạnh bụng khó tiêu, nôn mửa.Khi ăn với các món lạnh nên thêm gừng tươi cắt sợi. Ví dụ: ốc bươu luộc chấm nước mắm gừng. Trong mắm tôm đỏ nguyên con,mắm tép, mắm thái… đều có gừng cắt sợi.
Nước gừng tươi (sống) uống trị đau vai, đau tay.
Sinh khương ẩm : “ Phổ tế phương” : Dùng nước gừng tươi hòa với nước cốt sinh địa cho người bệnh hậu sản uống ( mệt tim, mê sảng).
Trà đường gừng :Nước trà nóng với vài lát gừng tươi và đường, uống khi còn nóng để trị ho, đầy bụng, mệt mỏi, khát. Sau khi đi mưa ớn lạnh, rùng mình cũng nên uống trà đường gừng nóng.
Kinh lịch thang ( Thánh tế tổng lục) gồm: nước trúc lịch, nước sắn dây, nước gừng.Uống trị bệnh mới trúng phong,tay chân không co được, tâm thần hoảng loạn, không nhận biết người thân,không muốn nói.
Vạn thọ chi địa hoàn (Tố vấn bệnh cơ) gồm các vị thuốc : sinh khương 4 lượng, thiên môn đông bỏ lõi 4 lượng, chỉ xác 2 lượng, cúc hoa 2 lượng.Tán mịn dùng mật hoàn viên bằng hạt ngô. Mỗi ngày uống 100 viên dùng điều trị mắt mờ.
GỪNG KHÔ còn gọi là CAN KHƯƠNG
GỪNG KHÔ có vị cay nóng nhưng không phát tán như gừng tươi.
Tính trừ hàn của gừng khô không tốt bằng gừng tươi.
Gừng khô tác dụng vào ống tiêu hóa tốt hơn gừng tươi: đau bụng, trúng thực, nôn mửa, lạnh bụng. Gừng khô làm mạnh tỳ vị.
Gừng khô trị dương suy yếu nghịch. Dùng hồi dương cứu nghịch, hóa đàm rất tốt. Bài “thông mạch tứ nghịch thang”( Y tông kim giám) gồm ba vị: cam thảo,phụ tử, can khương. Dùng trị bệnh trong lạnh ngoài nóng,tay chân lạnh,mạch gần tuyệt nhưng mặt đỏ.
Can khương bổ tỳ dương, hóa đàm,trục ẩm.
Trị tràn lỵ. Bài “ trú xa hoàn” (thiên kim phương) gồm 2 vị :hoàng liên,can khương.Sắc nước uống trị bệnh lỵ ( vừa xích, vừa bạch lỵ), hậu trọng ( muốn đi cầu ngay nhưng đi không được.
GỪNG LÙI TRO BẾP còn gọi là ỔI KHƯƠNG
Cách chế biến: Đắp đất ra ngoài củ gừng rồi bỏ vào bếp than đỏ. Dùng để làm ấm dạ dày, ôn trung tán hàn. Trị lạnh bụng, hàn lỵ.
GỪNG SAO VÀNG CHÁY XÉM còn gọi là TIÊU KHƯƠNG
Tiêu khương trị đau bụng, cầm máu.
GỪNG SAO TỒN TÍNH, SAO ĐEN gọi là HẮC KHƯƠNG hay THÁN KHƯƠNG
Công dụng hắc khương trị sôi bụng, trúng thực.
VỎ GỪNG gọi là KHƯƠNG BÌ
Khương bì có tính hàn thủy, tiêu thũng. Bài thuốc “ngũ bì tán” (cục phương) gồm các vị thuốc: ngũ gia bì, địa cốt bì, sinh khương bì, đại phúc bì,phục linh bì. Dùng để trị phù thũng, cổ trướng , khó thở, mệt.
GỪNG MUỐI
Gừng tươi gọt bỏ vỏ, muối chua. Gừng muối chua chậm hơn rau cải và phải nhiều muối cho khỏi hư.Gừng muối cắt lát hay cắt sợi ăn rất ngon.Dùng chung với các món,rau sống, ốc bươu, cá hấp, mắm tép, mắm thái rất hợp khẩu vì ít cay và làm ấm bụng.
Tay bưng chén muối, đĩa gừng
Gừng cay muối mặn, xin đừng có quên.
Mẹo dùng gừng ngoài da trị cảm sốt do bị lạnh: Gừng tươi giã nhỏ tẩm rượu sao nóng học vào vải rồi đánh gió khắp người.
Mẹo trị rét run, trị lạnh bụng : Dùng gừng khô tán nhỏ dùng với nước cơm, uống nhiều lần trong ngày.
Gừng khô 18gr, củ riềng đỏ 20gr.
Sắc nước uống, ngày 2 lần, uống lúc nóng.
Mẹo trị cảm sốt, nhức đầu, nghẹt mũi, ho sổ mũi, gai rét.
Gừng tươi 15gr, hành trắng ( củ, rễ, lá) 10gr.
Sắc nước uống, phần Bác đun sôi lại rồi xông.
Hoặc gừng tươi 10gr, hành trắng ( củ, rễ , lá) 12gr, tía tô 8gr, củ sả 4gr.
Sắc nước uống, ngày 2 lần, uống lúc còn nóng, đắp mền cho các mồ hôi.
Gừng chỉ dùng củ, cắt bỏ lá và rễ. Có thể dùng tươi hay cắt lát phơi khô.
Mẹo trị nôn mửa
Ngậm từng lát gừng tươi cho đến khi hết nôn mửa.
Mẹo trị cảm lạnh gai rét
Dùng gừng tươi 10gr, giã nát lọc bằng nước sôi thêm 10gr đường trắng khuấy đều, uống nóng, đắp mền kín.
Mẹo trị lỵ ra máu
Dùng gừng khô sao gần thành than uống với nước cơm hay nước cháo.
Cách trồng gừng: Trồng gừng bằng củ mầm vào mùa xuân nơi đất xốp nhiều mùn ẩm.
Thu hái và chế biến : Gừng tươi đào lấy củ vào mùa hè và mùa thu cắt bỏ rễ con, rửa sạch ( muốn giữ tươi lâu, cho vào chậu phủ kín đất lên).
Cách chế can Khương: Đào lấy củ gừng già đã có xơ, cắt bỏ rễ con, rửa sạch, thái mỏng, đồ chín, phơi khô..
Gừng già, gừng rụi, gừng cay
Anh hùng càng cực, càng dày nghĩa nhân.
Gừng tươi dùng chữa cảm mạo, nôn mửa, ho có đờm,bụng đầy chướng. Giải độc do bán hạ, thiên nam tinh, cua cá.
Bài thuốc ứng dụng chữa tiêu chảy mất nước, mạch nhỏ yếu, người mệt, chân tay lạnh, mồ hôi toát ra gồm :
Gừng khô 60gr
Nhục quế 60gr
Gừng tươi 40gr
Đại hồi 100gr
Rượu trắng 500gr
Tán nhỏ ngâm rượu mỗi lần 10-12ml ngày uống 3 lần. Uống đến khi ngừng tiêu chảy thì thôi. Dùng cho người lớn.
Ngoài ra gừng còn có thể chữa sưng phù vết thương bằng cách giã ra ngâm rượu xoa bóp hoặc đắp lên nên sưng đau.
Gừng dùng chữa hen.
Nước gừng sống, nước chanh, sữa mẹ, đồng tiện ( trẻ nhỏ) lượng bằng nhau, cho vào hãm và uống cho đến khi khỏi.
Kiêng kỵ khi dùng gừng( CÁC BỆNH KHÔNG NÊN DÙNG GỪNG)
Gừng khô, can khương vị đại cay nên người âm hư có nhiệt, có thai không nên dùng. Vì vậy nên tán khi tẩu huyết, uống lâu tổn hại tới phần âm, thương tổn mắt. Các chứng âm hư, nội nhiệt do âm hư, tự ra mồ hôi, mồ hôi trộm, tiêu ra máu, nôn mửa do nhiệt, đau bụng do hỏa nhiệt không nên dùng. Gừng khô ghét hoàng cầm, hoàng liên, dạ minh sa ( phân dơi).
Không nên ăn gừng tươi đã bị dập, sau khi bị dập sẽ sinh ra một loại độc tố mạnh có thể gây hoại tử các tế bào gan, lâu dần sẽ biến thành ung thư gan, ung thư thực quản. Mặc dù gừng có nhiều tác dụng nhưng ta không nên quá lạm dụng dùng gừng.
Bài Viết Liên Quan
BÀI 1268 – Gừng: Vị thuốc, gia vị tốt cho dạ dày
Trong dân gian, Gừng là một vị thuốc hỗ trợ tiêu hóa chữa chứng rối loạn [...]
Th10
BÀI 1267 – Bạn đã biết hết các tác dụng chữa bệnh của gừng?
Gừng (Zingiber officinale Rose.), họ gừng (Zigiberaceae) là cây thuốc nam được trồng hầu như [...]
Th10
BÀI 1266 – 9 tác dụng của atiso và lưu ý khi sử dụng để an toàn cho sức khỏe
Atiso được từ xưa đã được nhiều người tin dùng vì không những thơm ngon [...]
Th10