BÀI 912 – Trị gout bằng y học cổ truyền như thế nào?

Hiện nay do chế độ ăn uống mất cân đối, lối sống thiếu khoa học… làm gia tăng các bệnh chuyển hóa như bệnh gout. Vậy ứng phó với bệnh gout bằng y học cổ truyền như thế nào?

Nguyên nhân gây bệnh gout

Gout (thống phong) là một trong những dạng viêm khớp gây đau đớn nhất, là căn bệnh dẫn đến rối loạn sự phá hủy tự nhiên chất purin, làm gia tăng lượng axit uric trong máu và tích tụ dưới dạng tinh thể muối urat ở các khớp xương gây viêm.

Theo ThS.BS. Nguyễn Đình Thục – Tổng thư ký Trung ương Hội Đông y Việt Nam, bệnh gout được xếp trong nhóm bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa, các vi tinh thể urat lắng đọng ở màng hoạt dịch gây sưng đau các khớp. Ngoài ra, urat có thể lắng đọng ở một số cơ quan ngoài khớp như ở gân, túi thanh dịch, màng ngoài tim, cơ tim, van tim, ngoài da, móng tay, chân.

Gout chia làm hai loại gout nguyên phát và gout thứ phát.

Bệnh gout nguyên phát gắn liền với các yếu tố di truyền và cơ địa, quá trình tổng hợp chất gây tăng acid uric còn bệnh gout thứ phát là do ăn nhiều các thức ăn, đồ uống như: Gan, lòng, thịt, cá, nấm, tôm, cua, uống nhiều rượu, bia, đồ nước ngọt có ga…

Nói cách khác, gout nguyên phát do di truyền còn gout thứ phát do chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý.

Quan niệm của y học cổ truyền, bệnh gout gọi là thống phong. Bệnh do ngoại tà xâm nhập cơ thể gây nghẽn tắc kinh lạc, khí trệ huyết ứ tại các khớp gây sưng, đau làm hạn chế vận động. Bệnh bắt đầu ở cơ biểu, kinh lạc sau vào cân cốt gây tổn thương các tạng phủ. Chức năng của khí huyết, tân dịch rối loạn gây ứ trệ thành đàm, đàm ứ kết mà tạo thành các cục quanh khớp, dưới da. Bệnh tiến triển lâu ngày gây tổn thương can, tỳ, thận. Bệnh biểu hiện nhiều năm, đôi khi xuất hiện đợt cấp làm tổn thương, biến dạng các khớp.

Thống phong chia làm hai thể bệnh là thể phong thấp nhiệt (đợt cấp) và thể đàm thấp ứ trệ (mạn tính).

Triệu chứng thường gặp

Biểu hiện lâm sàng đặc trưng thường là sưng tấy, nóng, đỏ, đau dữ dội tại một hay nhiều khớp.

Đa phần bệnh nhân khi điều trị dứt được cơn đau đều tự cho là đã khỏi bệnh mà không biết rằng bệnh vẫn đang âm thầm tiến triển bên trong. Nếu không được điều trị tiếp tục và triệt để, các cơn đau sẽ xuất hiện trở lại ngày càng nhiều và nặng hơn.

Ở giai đoạn muộn hơn, có thể xuất hiện những u, cục gọi là hạt tophi xung quanh khớp, ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ, có nguy cơ gây biến dạng khớp và có thể dẫn đến tàn phế.

Nặng có thể dẫn tới phá hủy, biến dạng khớp, đồng thời làm suy giảm chức năng gan, suy thận, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, tăng huyết áp…

Trị gút bằng y học cổ truyền  - Ảnh 3.

Bệnh khởi phát thường không có bất kỳ triệu chứng nào ngoại trừ nồng độ acid uric trong máu cao.

Các triệu chứng đầu tiên thường gặp là ngón cái sưng đỏ và đau nhức. Đau thường xuất hiện ở các khớp bao gồm các khớp mắt cá chân, bàn chân, đầu gối, cổ tay, khuỷu tay và khớp nhỏ của bàn tay, có khi ở những khớp nhỏ có ở khắp nơi trên cơ thể. Các tinh thể muối urat gây viêm khớp, dẫn đến sưng đỏ, nóng, đau và cứng khớp.

Hầu hết các bệnh nhân có các cơn đau tái phát trong vòng vài năm, tùy theo thể trạng và lối sống, mà thường là từ 1-3 năm. Nếu không chữa trị, trong giai đoạn sau, các cơn đau khớp cấp sẽ gây tổn thương nhiều khớp, làm tổn thương khớp, mất vận động, đau mạn tính.

 Điều trị các thể gout bằng đông y

Thể phong thấp nhiệt (xuất hiện cơn gout cấp)

Triệu chứng: Xuất hiện các cơn đau tại các ngón chân cái, đốt bàn chân sưng nóng, đỏ tấy, cực kì nhạy cảm, chỉ cần đụng nhẹ vào thôi cũng đau đớn rất khó chịu.

Ngoài ra, có thể xuất hiện một số triệu chứng kèm theo như: Sốt, đau đầu, miệng khô, khát nước, mệt mỏi, chán ăn…

* Bài thuốc:

Bài 1 – “Tam diệu thang” gia giảm gồm: Đương quy 20g, tri mẫu 10g, thanh đại 8g, ngưu tất 15g, hoàng bá 15g, tỳ giải 12g, thương truật 15g, mộc qua 12g, kê huyết đằng 30g, xích thược 15g, ý dĩ nhân 30g, hoạt thạch 15g, xuyên khung 15g, hồng hoa 5g, đan sâm 15g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia 3 lần, trước khi ăn 30 phút.

Bài 2 – Tứ diệu tán gia vị: Bạch giới tử 5g, thương nhĩ tử 6g, dương giác (đốt thành tro) 12g, uy linh tiên 20g. Tán bột, mỗi lần dùng 4g, uống với nước sắc gừng. Ngày uống 1-2 lần.

Bài 3 – Nghiệm phương: Đan sâm 16g, phòng phong 12g, hoàng kỳ 12g, nhũ hương 6g, thổ phục 12g, đào nhân 8g, hồng hoa 8g, một dược 6g, đương quy 16g, xích thược 12g, hy thiêm thảo 12g. Sắc uống, ngày 1 thang chia 3 lần, trước khi ăn 30 phút.

Trị gút bằng y học cổ truyền  - Ảnh 5.

Thể đàm thấp ứ trệ (gout mạn tính)

Triệu chứng: Khớp sưng to, co duỗi khó, xuất hiện hạt tophi tại các vị trí khớp đau, dưới da và vành tai khi sờ vào thấy mềm, không đau, hay gặp ở người béo, lưỡi bệu, có nốt răng (rìa lưỡi có vết răng).

Bài thuốc:

Bài 1 – Nhiệm phương: Tế tân 5g, ô đầu chế 5g, xích thược 15g, thương truật 15g, thổ phục linh 16g, tỳ giải 12g, quế chi 5g, đương quy 15g, uy linh tiên 10g, ý dĩ nhân 15g, mộc thông 15g, sa tiền tử 5g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia 3 lần, trước khi ăn 30 phút.

Bài 2 – Tam tý thang gia giảm: Độc hoạt 8g, phòng phong 8g, tần giao 8g, tế tân 4g, ngưu tất 8g, đỗ trọng 8g, đương quy 12g, bạch thược 12g, xuyên khung 8g, thục địa 12g, đảng sâm 12g, thổ phục linh 8g, cam thảo 6g, quế chi 4g, hoàng kỳ 12g, tục đoạn 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần, trước khi ăn 30 phút.

Bài 3 – Quyên tý thang gia giảm: Độc hoạt 9g, phòng phong 8g, xích thược 12g, xương truật 12g, hoàng kỳ 12g, đương quy 8g, xuyên khung 15g, ngưu tất 15g, chích cam thảo 6g, can khương 5 lát, đại táo 12g, đỗ trọng 15g, tục đoạn 15g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần, trước khi ăn 30 phút.

Trị gút bằng y học cổ truyền  - Ảnh 6.

 Món ăn bài thuốc hỗ trợ điều trị gout

Bên cạnh việc dùng thuốc, ThS.BS. Nguyễn Đình Thục còn nhấn mạnh đến vai trò của món ăn bài thuốc hỗ trợ điều trị gout hiệu quả:

– Canh rau hẹ: Rau hẹ 200g, đậu hủ non 50g, gia vị vừa đủ nấu canh ăn.

‎- Canh thập cẩm: Củ cải 100g, cà rốt 50g, khoai tây 50g, hành ta 5 củ, gia vị vừa đủ nấu canh ăn.

– Canh dưa leo: Dưa leo 2 – 3 trái, nấm mèo 20g, đậu hũ 30g, hành khô 3 củ, gia vị băm nhỏ nhồi vào quả dưa nấu ăn.

– Cháo ức gà: Thịt ức gà 30g luộc xé nhỏ, gạo mới 100g nấu nhừ cho thêm hành hoa, rau mùi tàu, gia vị mắm muối vừa ăn.

Cá rô om lá lốt: Cá rô đồng 2 – 3 con 100g làm sạch, lá lốt 30g, củ cải 100g thái lát, nghệ 1 – 2 lát gia vị kho ăn.

Ngoài ra, nên tăng cường ăn nhiều rau củ quả tươi bổ mát tăng đào thải acid uric như: Dưa leo, đậu bắp, rau đắng, rau ngổ, rau bợ, càng cua, rau diếp, rau cải, rau lang, rau má, rau đay, mướp hương, hành hoa, kinh giới, tía tô, rau ngò; các loại rau thơm; trái cây như: Đu đủ, chuối, dưa hấu, dưa bở, na…; uống nước atisô, râu mèo, diệp hạ châu, mã đề, hoa cúc…

Nên ăn chất bột có trong gạo lứt, bánh mì, gạo, ngô, khoai củ các loại tươi mới; ăn chất béo có trong dầu vừng, dầu ô liu… Nên ăn chất đạm có trong sữa, phomat, sữa chua, các chế phẩm từ sữa và cá rô, cá lóc, cá kèo, cá bống…

Bệnh gout thường thiên về “nhiệt”, do đó hạn chế tối đa các loại thức ăn có tính nóng, giàu đạm như thịt chó, dê, bò, chim, thịt thú rừng, nhất là phủ tạng động vật. Đồng thời, kiêng ăn hải sản như: Cá trích, cá mòi, cá nục, cá ngừ, mực, tôm, cua; gia vị như: Tiêu ớt, tỏi, ca ri, nước mắm; rượu bia cà phê, trà đặc, sô cô la, ca cao…

Ngoài ra, y học cổ truyền còn trị gout  bằng phương pháp cấy chỉ. Cấy chỉ (nhu châm) là phát triển kỹ thuật cao của phương pháp châm cứu trong y học cổ truyền, bằng cách đưa sợi chỉ tự tiêu vào huyệt (chỉ catgut hoặc chỉ tiêu khác). Khi chỉ tiêu tan dần trong huyệt giúp gia tăng thời gian kích thích lên huyệt và kích thích tăng chuyển hóa, tăng tuần hoàn nuôi dưỡng tại vùng được cấy chỉ.

Cụ thể trong bệnh gout khi cấy vào các huyệt bổ tỳ – bổ thận giúp điều hòa công năng của tạng tỳ giúp chống rối loạn vận hóa (giúp điều hòa chuyển hóa axít uric), giúp bổ thận (điều hòa thải trừ acid uric).

Phòng bệnh gout như thế nào?

ThS.BS. Nguyễn Đình Thục cho biết, để phòng ngừa bệnh gout cần:

  • Quản lý cân nặng: Cân nặng phù hợp có thể làm giảm nồng độ acid uric và giảm xuất hiện các cơn gout cấp.
  • Giảm hoặc ngưng việc sử dụng rượu, bia: Uống rượu nhiều sẽ làm sản sinh acid lactic. Acid lactic sẽ tranh chấp đào thải với acid uric, làm cho lượng acid uric không thể thoát ra ngoài hoặc thoát với khối lượng không đủ.
  • Uống đủ nước mỗi ngày, ít nhất 2-3 lít nước vì nó giúp hòa tan acid uric trong cơ thể và loại bỏ theo đường tiết niệu ra ngoài.
  • Hạn chế ăn thực phẩm có nhiều purin (như cá cơm, cá mòi, ngỗng, nội tạng…).
  • Tăng cường ăn nhiều rau, củ, trái cây, đạm thực vật…

LIÊN HỆ MUA SẢN PHẨM:
HOTLINE: 0939714275
tiemthuocbacsaithanh
Thuocbacsaithan
h

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

Bài thuốc từ Rễ Nhàu

Tác dụng thần kỳ của trái nhàu