BÀI 341 – Vị thuốc Phù bình là gì?

Cây phù bình thường được gọi với một cái tên thân thuộc hơn tại Việt Nam là cây bèo cái, là loài thực vật được tìm thấy khá nhiều ở các ao hồ, đầm lầy tại một số địa phương ở nước ta. Cây phù bình được thu hái và chế biến quanh năm để sử dụng trong các thuốc chữa các bệnh về da, ho, hen suyễn, viêm xoang – mũi,…

Cây phù bình được biết đến với cái tên gọi thân thuộc là cây bèo cái

Tên gọi – Chủng loại

  • Tên gọi khác: Bèo cái, Bèo tai tượng, Bèo ván,…
  • Tên khoa học: Pistia stratiotes
  • Họ: Thuộc họ Ráy (Araceae)

Đặc điểm sinh thái

+ Mô tả:

Cây phù bình là cây thảo thủy sinh nổi, là một loại cây lâu năm một lá mầm. Lá mọc thành cụm, trên lá có nhiều lông mịn như nhung và không thấm nước. Hoa nhỏ, mọc ẩn ở đoạn giữa của cây trong cụm lá, hoa đực ở phần trên với 2 nhị, phần giữa có hoa lép thành vẩy, hoa cái ở dưới chứa nhiều noãn thẳng.

+ Phân bố:

Cây phù bình chưa được chắc chắn về nguồn gốc, nhưng có thể được tìm thấy ở các cùng nhiệt đới. Cây phù bình là loài thực vật sống trôi nổi trên dòng nước ở các đầm lầy, ao hồ, mọc ở nhiều các tỉnh thành thuộc nước ta, nhất là các tỉnh thuộc Đồng bằng Bắc Bộ như: Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Ninh Bình,…

Cây phù bình (bèo cái) sống trôi nổi trên mặt nước ở các ao hồ, đầm lầy

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

+ Bộ phận dùng:

Sử dụng toàn bộ các bộ phận của cây phù bình để làm thuốc.

+ Thu hái:

Cây phù bình được thu hái quanh năm để làm thuốc chữa bệnh, nhưng thời điểm tốt nhất để thu hoạch là vào mùa hạ, lúc ấy cây đang trong thời kỳ trổ hoa.

+ Chế biến:

Có thể sử dụng ở dạng tươi hoặc khô trong các bài thuốc. Cây cần được rửa sạch bằng nước sạch, tốt hơn nếu ngâm với nước muối pha loãng để loại bỏ bụi bẩn, cát, đất, tạp chất và vi khuẩn gây hại. Nếu sử dụng khô thì cần được phơi 3 – 4 lần nắng rồi cất kỹ trong bọc kín để sử dụng.

+ Bảo quản:

Bảo quản thuốc đã qua khâu chế biến ở nhiệt độ phòng, có thể cất trữ trong ngăn mát ở tủ lạnh để sử dụng qua ngày hoặc cất trữ trong bao bì, và đậy kín bao bì sau mỗi lần sử dụng.

Thành phần hóa học

Trong cây phù bình có ẩn chứa một chất gây ngứa tan trong nước cần thận trọng khi sử dụng. Bên cạnh đó, dược liệu này còn chứa một số chất có lợi cho sức khỏe như:

  • Nước
  • Chất khô
  • Chất hữu cơ
  • Protid thô
  • Chất béo thô
  • Cellulos
  • Chất không chứa nitrogen
  • Tro (chứa muối Kali như: Kali clorua, Kali sulfat)
  • Phốt pho
  • Calcium

Tính vị

Cây phù bình có vị cay, tính lạnh.

Quy kinh

Cây phù bình được quy vào kinh Phế và Bàng quang.

Tác dụng dược lý

+ Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

Chưa được nghiên cứu.

+ Theo Y học cổ truyền:

Trong Đông ý, cây phù bình được sử dụng khá nhiều trong các bài thuốc bởi tác dụng của dược liệu này đem lại như:

  • Tiêu độc
  • Lợi tiểu
  • Cầm máu khi chảy máu cam
  • Chữa trĩ ngoại
  • Ho, hen suyễn
  • Chữa các bệnh lý về da: mẩn ngứa, phát ban da, mụn nhọt, chàm, lang beng,…

Cách dùng – Liều lượng

Cây phù bình được sử dụng ở dạng tươi hoặc khô, đem sắc lấy nước uống, xông hơi hoặc rửa lên vùng bị tổn thương, kết hợp với việc chà xát nhẹ nhàng.

Sử dụng liên tục mỗi ngày để đạt được kết quả điều trị như mong muốn với liều lượng cho mỗi lần dùng là 10 – 20 gram.

Bài thuốc

Cây phù bình được sử dụng dân gian sử dụng khá nhiều trong các bài thuốc chữa ngứa, tiêu độc, trị ho, hen suyễn và một số bệnh lý khác. Dưới đây là một số bài thuốc sử dụng dược liệu này làm nguyên liệu chính để chữa bệnh, bạn đọc có thể tham khảo:

Cây phù bình được dùng dưới dạng tươi hoặc khô, sử dụng để sắc lấy nước uống, nấu nước tắm, xông hoặc rửa vùng bị tổn thương

Bài thuốc chữa hen suyễn: Dùng 100 gram cây phù bình tươi, cắt bỏ phần rễ, rửa sạch với nước để loại bỏ tạp chất rồi giã nát, vắt bỏ phần bã, chỉ sử dụng phần nước cốt. Đem nước cốt pha với siro chanh. Mỗi ngày sử dụng 100 ml, uống 1 – 2 lần/ ngày. Người bệnh cần uống liên tục trong vòng 2 – 3 tháng để đạt kết quả như mong muốn. Ngoài ra, đơn giản hơn, có thể sử dụng cây phù bình tươi để nấu với cơm nếp.

Bài thuốc chữa đau mắt, nổi mẩn ngứa khắp mình: Dùng phù bình (loại bỏ rễ), bạc hà, kinh giới mỗi vị một nắm hoặc 30 gram đem sắc lấy nước uống hoặc đem xông rửa.

Bài thuốc chữa phù thũng mới phát: Dùng một nắm cây phù bình sắc lấy nước uống mỗi ngày.

Bài thuốc chữa phù do viêm thận cấp tính, phát sốt, đi tiểu khó khăn (Phù bình đậu qua bì thang): Dùng 10 gram cây phù bình khô, 20 gram xích tiểu đậu (đậu đỏ nhỏ hạt), 16 gram đông qua bì (vỏ bí đao), 4 gram ma hoàng, 4 gram cam thảo cùng với mộc tặc thảo, liên kiều, tây qua bì (bỏ dưa hấu) mỗi loại 12 gram. Đem tất cả các vị thuốc trên sắc lấy nước uống. Hoặc có thể sử dụng bài thuốc khác: dùng 4 gram bột ngô cùng với một lượng nước đun sôi, khuấy đều rồi dùng khi thuốc còn ấm, uống mỗi ngày 2 lần.

Bài thuốc chữa phát sốt, khát nước, tâm thần không ổn định: Dùng cây phù bình tươi rửa sạch bằng nước đổi loại bỏ vi khuẩn, tạp chất để ráo nước rồi đem phơi khô. Sau đó nghiền nát thành bột mịn , cho thêm một ít sữa trâu rồi hoàn thành viên. Sử dụng 30 viên cho mỗi lần sử dụng, ngày uống 3 – 4 lần.

Bài thuốc chữa hen suyễn: Sử dụng 100 gram cây phù bình tươi (loại bỏ phần rễ) rửa sạch nhiều lần với nước muối pha loãng, để ráo nước rồi đem giã nhỏ. Lọc bỏ phần bã chỉ lấy phần nước cốt. Cho thêm một ít siro chanh và nước lọc vào hòa tan. Sử dụng hỗn hợp mỗi ngày để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Bài thuốc chữa bệnh chàm (eczema): Rửa sạch tất cả cây phù bình tươi qua nhiều lần nước sạch, sau đó thêm một ít muối vào giã nát. Đem hỗn hợp đắp lên vị trí bị tổn thương, có thể chà xát nhẹ nhàng để vết thương mau khỏi. Để tăng hiệu quả điều trị, có thể dùng các bài thuốc có hoa kim ngân, bồ công anh,…

Bài thuốc chữa mẩn ngứa: Sử dụng cây phù bình đem sao vàng rồi sắc lấy nước uống hằng ngày.

Bài thuốc chữa viêm mũi dị ứng: Dùng 250 gram cây phù bình tươi, cắt bỏ rễ và lá úa, đem giã nát rồi lọc lấy phần nước cốt để uống mỗi ngày.

Bài thuốc chữa chảy máu cam: Dùng cây phù bình phơi khô, nghiền nát thành bột mịn, sau đó đem thổi vào lỗ mũi bị chảy máu cam.

Bài thuốc chữa viêm mũi – xoang mãn tính: Sử dụng 10 gram cây phù bình khô, 5 gram bạch chỉ, 5 gram hoàng cầm, 4 gram cam thảo cùng với 8 gram kim ngân hoa. Đem tất cả vị thuốc sắc láy nước uống, có thể dùng thay thế nước trà.

Bài thuốc chữa trĩ ngoại: Dùng cây phù bình tươi nấu với nước để xông hoặc rửa. Để tăng hiệu quả điều trị, giã nát phù bình đem đắp vào vị trí đau.

Bài thuốc chữa lang ben: Sử dụng 200 gram cây phù bình đun lấy nước để tắm, dùng phần bã đẻ chà xát nhẹ lên vị trí bị tổn thương.

Bài thuốc chữa da sưng đỏ, tấy, nóng rát, người phát sốt: Sử dụng phù bình để nấu nước xông hoặc rửa kết hợp với đắp phù bình giã nát nên vị trí bị sưng đỏ, nóng rát.

Bài thuốc chữa chứng phong nhiệt, đau mắt, sưng đầu, mắt, nổi mụn khắp người: Dùng cây phù bình tươi (cắt bỏ rễ), bạc hà, kinh giới mỗi loại 30 gram đem sắc lấy nước uống mỗi ngày. Đồng thời, kết hợp với việc xông mặt để tăng hiệu quả điều trị.

Bài thuốc chữa mụn rộp: Dùng một nắm cây phù bình nấu lấy nước để rửa sạch vết loét. Sau đó, dùng cây phù bình đã đốt thành tro để bôi lên vị trí tổn thương ấy.

Bài thuốc chữa mụn ở tuổi dậy thì: Dùng 200 gram cây phù bình tươi cùng với 40 gram phòng kỷ. Đem sắc lấy nước đến độ đặc nhất định để rửa mặt. Đồng thời giã nát một ít phù bình để chà xát nhẹ nhàng lên mặt. Thực hiện mỗi ngày 4 – 5 lần.

Bài thuốc chữa sốt phát ban: Dùng mộ nắm cây phù bình (loại bỏ rễ) và miếng sắn dây củ đem sắc lấy nước uống.

Bài thuốc chữa ngứa và sưng đầu dương vật: Dùng cây phù bình khô đem tán thành bột mịn. Sử dụng 8 gram cho mỗi lần uống, uống cùng với rượu ngâm với đậu đen. Bên cạnh đó, kết hợp với việc rửa dương vật bằng phù bình.

Lưu ý

Người bệnh sử dụng cây phù bình để làm thảo dược điều trị một số bệnh lý cần lưu ý một số điểm chính sau đây:

  • Trong thời gian đầu sử dụng cây phù bình để điều trị bệnh, có thể gây ra ngứa cổ, nhưng tác dụng phụ này là trường hợp hay gặp, vài ngày sau sẽ hết, bệnh nhân không cần quá lo lắng.
  • Không sử dụng cho các đối tượng dị ứng hoặc mẫn cảm với một số thành phần có trong cây phù bình.
  • Chống chỉ định sử dụng cho các đối tượng suy nhược cơ thể, mồ hôi tiết ra nhiều.
  • Trong cây phù bình có chất gây ngứa tan trong nước, cần thận trọng khi chế biến chúng.

Bệnh nhân cần biết rõ tình hình sức khỏe của mình trước khi sử dụng dược liệu này để điều trị sao cho đúng cách đúng mục đích. Trong quá trình điều trị bằng phương pháp này, bệnh nhân cần kiên trì thực hiện trong lộ trình dài, bởi dược liệu này không có tác dụng nhanh bằng phương pháp điều trị bằng thuốc Tây y. Tốt nhất, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến tham vấn từ bác sĩ trước khi sử dụng.

Bài viết đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin về cây phù bình cũng như là công dụng của dược liệu này mang lại. 

LIÊN HỆ MUA SẢN PHẨM
0939 714 275
tiemthuocbacsaithanh

Thuocbacsaithanh

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
– NGỌC TRÚC VÀ CÁC TÁC DỤNG CHỮA BỆNH
 NHỤC ĐẬU KHẤU VÀ CÁC CÔNG DỤNG CHỮA BỆNH