Hương nhu tía là thảo dược thiên nhiên có mùi thơm đặc trưng, thường được sử dụng trong các bài thuốc chữa cảm lạnh, ho, tiêu chảy ở trẻ nhỏ. Để tìm hiểu rõ hơn về hương nhu tía, bạn đọc có thể tham khảo nguồn thông tin dưới đây.
- Tên gọi khác: É tía, é rừng, é đỏ,…
- Tên khoa học: Ocimum sanctum L.
- Họ: Hoa môi (Lamiaceae).
Tìm hiểu về cây hương nhu tía
Mô tả cây hương nhu tía
Hương nhu tía thuộc loại cây thân thảo, cao gần 1m, thân và lá có màu đỏ tía, có lông mềm. Lá mọc đối xứng, các mép lá có răng cưa, màu nâu đỏ hoặc tím, cả 2 mặt đều có lông mềm. Hoa hương nhu tía mọc thành từng cụm, hoa có màu trắng hoặc tím, cuống dài, xếp thành từng vòng khoảng 6 – 8 hoa. Hương nhu tía có mùi thơm nhẹ, đặc trưng.
Khu vực phân bố
Cây thường mọc hoang ở khắp nơi hoặc được trồng trong vườn để làm thảo dược điều trị bệnh.
Bộ phận dùng làm dược liệu
Hầu như các bộ phận của hương nhu tía đều được sử dụng làm dược liệu, trong đó bao gồm cả thân, cành, hoa và lá.
Thu hái, sơ chế
Thông thường, hương nhu tía được thu hoạch khi cây đang ra hoa, từ tháng 5 – tháng 10 hằng năm. Sau khi thu hái, người ta đem dược liệu đi rửa sạch, cắt thành từng đoạn khoảng 3 – 4cm, phơi dưới bóng râm cho đến khi khô.
Bảo quản
Dược liệu sau khi phơi hoặc sấy khô thì cho vào túi nilong, tránh hơi ẩm. Bảo quản dược liệu ở độ ẩm dưới 12%.
Thành phần hóa học
Các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra, trong hương nhu tía có chứa một số thành phần như:
- 70% tinh dầu eugenol
- 12% tinh dầu methyl eugenol và β- caryophyllen
- 21% Elemen
- 22,2% caryophylen
- 0,6% elemol
- 1,3% humulen
- 0,8% caryophylen oxy
Bào chế
Hương nhu tía thường được sử dụng dưới dạng tươi, sấy khô hoặc chiết xuất tinh dầu.
Vị thuốc của hương nhu tía
Tính vị
Hương nhu tía có vị cay, tính tán, ôn thông. Tác dụng điều trị các bệnh như nhức đầu, cảm nắng, đau bụng, đi ngoài, chuột rút, cước khí,…
Quy kinh
Dược liệu hương nhu tía đi vào 2 kinh Phế và Vị.
Tác dụng của hương nhu tía
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành kiểm nghiệm trong nhiều năm liền và phát hiện ra một số tác dụng dược lý của hương nhu tía cụ thể như:
- Làm giảm stress
Các nhà nghiên cứu người Ấn Độ cho biết, hương nhu tía có tác dụng làm cho cơ thể thích nghi tốt hơn với stress. Tác dụng này đã được thử nghiệm lâm sàng in vitro hoặc trên cơ thể động vật.
- Kháng viêm, giảm đau, hạ sốt
Tinh dầu methanol và nhũ tương được phát hiện trong hương nhu tía làm tăng khả năng kháng viêm, hạ sốt, giảm đau.
Hoạt chất carragenin trong hương nhu tía có tác dụng ức chế tình trạng phù gan bàn chân ở chuột cống trắng và tiết chế sự hình thành của dịch rỉ viêm.
Năm 1998, nhà nghiên cứu Singh đã phát hiện ra trong hương nhu tía còn chứa thành phần acid linoleic – thành phần này có khả năng ức chế lipoxygenase và cyclooxygenase trên quá trình gây viêm.
Ngoài ra, dịch chiết cồn của hương nhu tía còn giúp làm giảm số lần đau thắt trên cơ thể chuột khi bị kích thích tự nhiên.
- Tác dụng kháng khuẩn
Nghiên cứu của Singh còn cho biết thêm, hoạt chất acid linoleic trong hương như ta có thể góp phần làm tăng khả năng kháng khuẩn và loại bỏ được một số chủng vi khuẩn nhạy cảm như Bacillus pumius, staphylococus aureus,…
- Chống oxy hóa
Tác dụng chống oxy hóa của tinh dầu hương nhu tía đã được đánh giá bằng cách sử dụng các phương pháp sắc ký lỏng, dựa vào hàm lượng hypoxathin xathin oxidase.
Cách dùng, liều lượng
- Sắc lấy nước uống: Ngày 6 – 12g (tùy vào trạng thái nguyên liệu tươi hoặc khô).
- Dùng dưới dạng lá xông: Khoảng 50 – 100g lá tươi.
Độc tính
Chưa có nghiên cứu cụ thể nào chỉ ra tác dụng phụ của hương nhu tía khi sử dụng quá liều. Tuy nhiên, để an toàn hơn với sức khỏe, bạn nên sử dụng dược liệu hương nhu tía theo liều lượng đã được chỉ định. Tuyệt đối không nên lạm dụng quá liều, tránh gây ra tác dụng phụ không mong muốn.
Bài thuốc chữa bệnh từ hương nhu tía
Bạn có thể tham khảo một số bài thuốc có sử dụng hương nhu tía như là:
– Chữa chứng tiêu chảy, lạnh bụng
Dùng khoảng 12g hương nhu tía, 12g tía tô (bao gồm lá và cành), 9g mộc qua đem đi sắc với 3 bát nước. Đến khi thuốc đặc lại còn khoảng 1 bát thì dùng để uống sau bữa ăn sáng. Chia thành 2 hoặc 3 lần uống trong ngày.
– Khắc phục chứng cảm sốt, đau đầu
Lấy 1 nắm hương nhu tía đem rửa sạch, giã nát. Vắt lấy nước cốt cho riêng vào cốc sạch. Sau đó cho thêm ít nước ấm vào cốc nước cốt hương nhu tía để uống. Phần bã, có thể dùng để chườm trán hoặc thái dương để dứt điểm cơn đau đầu nhanh.
Trường hợp bệnh nhân ra nhiều mồ hôi, có thể dùng thêm khoảng 200g sắn dây tươi để giã lấy nước uống. Kiên trì thực hiện cho đến khi bệnh chấm dứt.
– Cải thiện triệu chứng cảm lạnh
- Bài 1:
Chuẩn bị khoảng 500g cây hương nhu tía, 200g hậu phác tẩm gừng nướng, 200g đậu ván trắng sao vàng. Tất cả nguyên liệu đem đi tán nhuyễn thành bột mịn, trộn đều với nhau. Mỗi lần dùng khoảng 8 – 10g bột để pha nước sôi uống. Mỗi ngày uống 2 lần vào trưa và tối, nên uống sau bữa ăn. Kiên trì sử dụng khoảng 2 – 3 ngày.
- Bài 2:
Lấy 100g hương nhu tía tán thành bột mịn để pha với nước sôi và uống ngày 2 lần, mỗi lần dùng khoảng 8g. Kiên trì sử dụng thuốc cho đến khi bệnh thuyên giảm.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần kết hợp với bài thuốc xông để cải thiện các triệu chứng bệnh nhanh như:
- Dùng hương nhu tía, lá bưởi, sả hoặc ngải cứu, khuynh diệp, lá tre, tía tô, gừng, húng chanh, cành lá thanh táo đem rửa sạch rồi nấu với nước.
- Đun khoảng 5 phút cho đến khi sôi, sau đó hạ nhỏ lửa và đậy kín vung, nấu thêm vài phút nữa.
- Sau đó, dùng nước lá này để xông khoảng 15 – 20 phút. Đến khi nước ấm thì dùng để tắm trong phòng kín.
– Trị chứng hôi miệng
Dùng 10g hương nhu tía sắc với 200ml nước cho đến khi cạn, còn khoảng 100ml thì tắt bếp. Dùng dung dịch này để ngậm và súc miệng mỗi ngày. Kiên trì thực hiện cách này khoảng 15 – 30 ngày để cải thiện triệu chứng hôi miệng. Nên dùng để súc miệng vào buổi sáng hoặc tối để thuốc phát huy được tác dụng tối ưu.
– Chữa bệnh cảm mùa hè
Hương nhu tía, cát căn, diếp cá, điền cơ hoàng mỗi vị 12g, mộc hương 4g, thạch xương bồ 8g đem rửa sạch và sắc lấy nước uống.
– Chữa bệnh đường hô hấp ở trẻ nhỏ
Hương nhu tía, hoắc hương, bán hạ, kinh giới, hoàng cầm, phục linh, đẳng sâm mỗi vị 10g, 5g cam thảo đem sắc nước. Mỗi ngày uống từ 3 – 5 lần, cho đến khi bệnh dứt điểm.
– Điều trị chứng đau bụng, tiêu chảy
Tía tô, hương nhu tía, mộc qua mỗi vị 12g đem sắc uống. Cơn đau bụng sẽ nhanh chóng được cải thiện.
– Kích thích mọc tóc
- Bài 1:
Lá bưởi hoặc vỏ bưởi, hương nhu tía, bồ kết mỗi vị 10g đem nướng sơ trên than, rồi đem nấu với 3 lít nước. Pha nước cho ấm rồi dùng để gội đầu mỗi ngày. Mỗi tuần gội khoảng 2 – 3 lần.
- Bài 2:
Lấy khoảng 40g hương nhu tía đem sắc với 200ml nước, pha thêm 1/2 thìa mỡ lợn. Khi nước nguội, sử dụng để thoa lên da đầu để kích thích tóc mọc nhanh hơn. Phương pháp này thường áp dụng để kích thích mọc tóc ở trẻ em.
– Chữa chứng nước tiểu đục, phù thũng
Lấy 9g hương nhu tía, 30g cỏ tranh, 12g ích mẫu thảo đem sắc với 600ml nước cho đến khi nước cô lại còn khoảng 200ml. Chia nước thành 2 lần và uống hết trong ngày, Sử dụng liên tục trong vòng 10 ngày.
Kiêng kỵ khi sử dụng hương nhu tía
1 – Những ai không nên sử dụng hương nhu tía?
Mặc dù cây hương nhu tím là thảo dược thiên nhiên lành tính, nhưng nó chống chỉ định với một số trường hợp sau:
- Người bị ra nhiều mồ hôi
- Người âm hư và khí hư
- Người bị ho lao tuyệt đối không sử dụng hương nhu tía.
- Phụ nữ mang thai cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng hương nhu tía.
- Trước khi phẫu thuật, nên ngưng sử dụng hương nhu tía khoảng 2 tuần.
2 – Tương tác thuốc
Hương nhu tía dược liệu có khả năng tương tác với một số nhóm thuốc như:
- Thuốc làm chậm đông máu bao gồm thuốc chống huyết khối, thuốc chống đông có khả năng tương tác với một số thành phần của hương nhu. Hương nhu tía kết hợp với thuốc chống đông máu làm tăng nguy cơ bầm tím và chảy máu. Một số nhóm thuốc làm chậm đông máu phổ biến như dalteparin (Fragmin®), enoxaparin (Lovenox®), aspirin, warfarin (Coumadin®), clopidogrel (Plavix®), heparin, ticlopidin (Ticlid®) và các loại khác.
- Pentobarbital tương tác với hương nhu. Pentobarbital gây buồn ngủ. Có một số người lo ngại rằng việc sử dụng dầu hạt hương nhu với pentobarbital có thể gây buồn ngủ quá nhiều.
3 – Những điều cần lưu ý khi sử dụng dược liệu hương nhu tía
Khi sử dụng hương nhu tía dược liệu, bạn cần lưu ý đến một số vấn đề sau:
- Sử dụng đúng dược liệu hương nhu tía.
- Không sử dụng dược liệu ẩm mốc hoặc có mùi lạ.
- Tìm hiểu về nguyên liệu và tương tác thuốc trước khi sử dụng.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ khi muốn sử dụng hương nhu tía trong các bài thuốc.
Trên đây là một số thông tin về cây hương nhu tía. Hy vọng rằng bài viết này có thể giúp ích cho việc tìm hiểu thông tin của bạn.
LIÊN HỆ MUA SẢN PHẨM:
0939714275
tiemthuocbacsaithanh
Thuocbacsaithanh
CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
– CỎ LƯỠI RẮN – DƯỢC LIỆU VƯỜN NHÀ
– VỊ THUỐC TÁO NHÂN CÓ TÁC DỤNG GÌ?
Bài Viết Liên Quan
BÀI 1268 – Gừng: Vị thuốc, gia vị tốt cho dạ dày
Trong dân gian, Gừng là một vị thuốc hỗ trợ tiêu hóa chữa chứng rối loạn [...]
Th10
BÀI 1267 – Bạn đã biết hết các tác dụng chữa bệnh của gừng?
Gừng (Zingiber officinale Rose.), họ gừng (Zigiberaceae) là cây thuốc nam được trồng hầu như [...]
Th10
BÀI 1266 – 9 tác dụng của atiso và lưu ý khi sử dụng để an toàn cho sức khỏe
Atiso được từ xưa đã được nhiều người tin dùng vì không những thơm ngon [...]
Th10