Mô tả dược liệu
Bối mẫu còn có tên xuyên bối mẫu, triết bối mẫu, là dò hành phơi khô của cây bối mẫu (Fritilaria sp., họ Hành tỏi). Bối mẫu có các alkaloid (verticine, verticilline, fritillanine, peimine), các hợp chất peiminoside và nguyên tố kim loại (Mn, Cu, Zn…) . Có tác dụng hạ huyết áp, long đờm, giảm ho.
Theo Đông y, bối mẫu có vị ngọt, hơi đắng, tính mát; vào tâm và phế. Có tác dụng chỉ khái hóa đàm, thanh nhiệt tán kết. Trị viêm khí phế quản dạng viêm khô, nóng sốt ho khan đờm ít, đờm dính vàng đặc đau rát miệng họng (đàm nhiệt khái tấu); viêm sưng hạch vùng cổ (lao hạch), áp-xe phổi, áp-xe vú, viêm cơ có mủ và sưng hạch… Liều dùng, cách dùng: 3-10g bằng cách nấu hầm, sắc, pha hãm. Sau đây là một số cách dùng bối mẫu làm thuốc.
Bối mẫu dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh, thường được chia làm 2 loại:
- Xuyên Bối mẫu: (Bulbus Fritillariae Cirrhosae) là tép dò khô của cây Xuyên bối mẫu – Fritillariae cirrhosa D. Don. Cây Bối mẫu lá tím thẫm F. Unibracteata Hsiao et K.C.Hsia. Bối mẫu Cam túc F.prewalskii Maxim hoặc cây Bối mẫu F. delavayi Franch, 3 loại trước hình dạng khác nhau nên gọi là Tùng bối hay Thanh bối, còn loại sau gọi là Lô bối. Xuyên bối chủ yếu sản xuất ở các tỉnh Tứ xuyên, Tây tạng, Cam túc, Thanh hải, Vân nam.
- Triết bối mẫu: là tép dò khô của cây Triết bối mẫu – Fritillaria verticillata Wild var Thunbergii Bak. Nguyên sinh ở huyện Tượng sơn tỉnh Triết giang nên còn gọi là Tượng bối, nhưng hiện nay đã được chiết trồng tại nhiều nơi như Hàng châu, Giang tô, An huy, Hồ nam. Cho đến nay cây Bối mẫu chưa có ở Việt nam.
Tính vị qui kinh:
Xuyên Bối mẫu vị đắng ngọt, tính hơi hàn. Qui kinh Phế Tâm.
Triết Bối mẫu vị đắng hàn. Qui kinh Phế Tâm.
Theo các sách Y cổ:
- Sách Bản kinh: Vị cay bình.
- Sách Danh y biệt lục: đắng hơi hàn không độc.
- Sách Tân tu bản thảo: vị ngọt đắng không cay.
- Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập 2 kinh Tâm Phế.
- Sách Bản thảo kinh giải: nhập thủ thái âm phế kinh, thủ dương minh đại trường kinh.
Thành phần chủ yếu:
Theo sách Chinese Herba medicine, trong:
- Xuyên Bối mẫu có: tritimine, chinpeimine.
- Triết Bối mẫu có: peimine, peimimine, propeimine, peimidine, peimiphine, peimisine, peimitidine.
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam, trong:
- Xuyên Bối mẫu có những alkaloid sau: peiminin, peimin, peimisin, peimidin, peimitidin, fritimin.
- Triết Bối mẫu có những alkaloid: peimin, peiminin, peimisin, peimiphin, peimidin, peimitidin, propeimin.
Tác dụng dược lý:
Theo Y học cổ truyền:
Bối mẫu có tác dụng hóa đàm chỉ khái, thanh nhiệt tán kết. Chủ trị các chứng: phế hư cửu khái, ngoại cảm phong nhiệt hoặc đàm hỏa uất kết, loa lịch sang ung (lao hạch nhọt lở).
Trích đọan Y văn cổ:
- Sách Bản kinh: ” chủ thương hàn phiền nhiệt, lâm lịch tà khí, sán hạ (sa ruột), hầu tý nhũ nang, kim sang phong kinh”.
- Sách Danh y biệt lục: ” liệu phúc trung kết thực, tâm hạ mãn, hoa mắt cứng gáy, ho khó thở. Trị chứng phiền nhiệt khát ra mồ hôi”.
- Sách Dược tính bản thảo: ” chủ hung hiếp nghịch khí, liệu thời tật hoàng đản, phối hợp với Liên kiều, trị chứng anh lựu cổ gáy”.
- Sách Cảnh nhạc toàn thư, Bản thảo chính: ” Bán hạ, Bối mẫu đều trị ho, nhưng Bán hạ kiêm trị Tỳ phế, Bối mẫu chuyên thanh kim (phế), Bán hạ dùng vị cay, Bối mẫu dùng vị đắng, Bán hạ dùng khí ôn, Bối mẫu dùng khí lương, Bán hạ tính tốc, Bối mẫu tính hoãn, Bán hạ tán hàn, Bối mẫu thanh nhiệt. Tính vị âm dương rất khác nhau”.
Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Bối mẫu có tác dụng giảm ho khu đàm. Saponin trong Xuyên bối mẫu có tác dụng trên mạnh còn alkaloid của Bối mẫu chỉ có tác dụng khu đàm. Xuyên bối còn có tác dụng hạ áp, chống co giật, hưng phấn tử cung cô lập (thỏ hoặc chuột cống). Tác dụng hạ áp chủ yếu là do friti.
- Triết bối có tác dụng giảm ho, hạ áp, hưng phấn tử cung, giãn đồng tử, chất chiết xuất của Triết bối nồng độ thấp làm giãn cơ trơn khí quản, nồng độ cao thì gây co thắt (chủ yếu là chất peimine nhưng peimine không có tác dụng giảm ho).
- Qua nghiên cứu thực nghiệm không chứng minh được Ô đầu phản Bối mẫu.
- Độc tính: Liều LD50 của Xuyên Bối mẫu đối với chuột là 40mg/kg. Liều LD50 của Triết Bối mẫu (peimine và peiminine chích tĩnh mạch) đối với súc vật thí nghiệm là 9mg/kg. Triệu chứng nhiễm độc là giảm hô hấp, giãn đồng tử, run giật và hôn mê.
Ứng dụng lâm sàng:
Trị lao hạch (chứng loa lịch):
- Tiêu loa hoàn: Huyền sâm 12g, Bối mẫu 10g, Mẫu lệ 15g, tán bột mịn trộn đều, luyện mật làm hoàn, mỗi lần uống 10g, ngày 2 lần, với nước sôi nguội.
Trị viêm tuyến vú mới bắt đầu sưng tấy:
- Bối mẫu, Thiên hoa phấn đều 10g, Bồ công anh 15g, Liên kiều, Đương qui, Lộc giác đều 10g, Thanh bì 6g, sắc nước uống. Ngoài đắp Bồ công anh.
Trị viêm phế quản kéo dài thể âm hư phế táo:
- Nhị mẫu tán: Tri mẫu 10g, Xuyên Bối mẫu 8g (tán bột hòa uống) gia gừng tươi 3 lát sắc nước uống.
- Bối mẫu tán: Bối mẫu 10g, Hạnh nhân 6g, Mạch môn, Tử uyển đều 10g, Trần bì 6g, Cam thảo sống 4g, sắc nước uống.
- Bối mẫu 8g, Cát cánh 3g, Cam thảo 2g, nước 600ml sắc còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày (Diệp quốc tuyền).
- Ma hạnh thạch cam thang gia vị ( Điều trị nhi khoa Đông y – BS Trần văn Kỳ): Ma hoàng, Hạnh nhân đều 6 – 8g, Tiền hồ, Cát cánh đều 8 – 10g, Thạch cao sống 12 – 20g (sắc trước), Trần bì, Bối mẫu đều 6 – 8g, Cam thảo 3g, Xuyên bối mẫu tán bột hòa thuốc, tất cả các vị sắc uống chia 3 lần trong ngày. Trị trẻ em viêm phế quản, ho, khó thở, sốt.
Trị phụ nữ có thai ho đàm:
Bối mẫu bỏ lõi sao vàng tán nhỏ, luyện với đường phèn viên bằng hạt ngô ngậm ngày 5 – 10 viên.
Liều thường dùng và chú ý:
- Liều: 3 – 10g tán bột hòa uống. Mỗi lần uống 1 – 2g, thường uống với thuốc thang hoặc cho vào thuốc hoàn tán.
- Theo Y học cổ truyền: Ô đầu phản Bối mẫu tuy thực nghiệm chưa chứng minh nhưng dùng phải cần lưu ý.
Nhuận phổi, chữa ho: Dùng cho các chứng bệnh do âm hư hỏa vượng: ho, phổi khô, nhổ ra đờm kết dính, người nặng, có thể ho ra máu.
Bài 1: bối mẫu 12g, tri mẫu 12g; thêm gừng tươi 3 lát. Sắc uống. Trị sốt nóng do âm hư, ho có ít đờm.
Bài 2: bối mẫu 12g, hạnh nhân 8g, mạch môn đông 12g, tử uyển 12g. Các vị sắc với nước hoặc tán thành bột mà uống. Trị ho lâu ngày, khó thở.
Bài 3: bối mẫu 4g, sinh địa 12g, thục địa 12g, huyền sâm 12g, bách hợp 12g, mạch môn 8g, đương quy 8g, bạch thược 8g, cát cánh 6g, cam thảo 4g; nếu ho ra máu, thêm bạch cập 8g, a giao 8g. Sắc uống ngày 1 thang. Trị suy nhược cơ thể do phế âm hư.
Hình ảnh phế quản bị viêm.
Hóa đờm, tiêu tan chất kết tụ: Dùng cho các chứng lao hạch, tuyến giáp trạng sưng to, sưng viêm phổi, đau họng, mụn nhọt lở.
Bài 1: bối mẫu 12g, huyền sâm 16g, mẫu lệ 20g. Các vị nghiền thành bột, phối hợp với mật làm hoàn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 12g, với nước đun sôi. Chữa lao hạch.
Bài 2 – Thang tiêu nhọt độc: bối mẫu 12g, thiên hoa phấn 12g, bồ công anh 20g, thanh bì 8g, liên kiều 12g, đương quy 12g, sừng hươu nai 12g. Sắc uống. Trị áp-xe vú mới sưng đau.
Bài 3: bối mẫu 8g, thiên môn 12g, sinh địa 12g, mạch môn 12g, hoài sơn 12g, a giao 12g, phục linh 12g, bách bộ 8g, ngọc trúc 8g, bách hợp 8g. Sắc uống ngày 1 thang. Trị lao phổi.
Chữa viêm loét dạ dày – tá tràng: bối mẫu 8g, bạch thược 12g, thanh bì 8g, chi tử 8g, trạch tả 8g, đan bì 8g, hoàng liên 8g, trần bì 6g, ngô thù du 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Kiêng kỵ: Người có chứng hư hàn (đờm lạnh, đờm loãng ướt) không dùng. Không được dùng bối mẫu với ô đầu.
LIÊN HỆ MUA SẢN PHẨM:
Hotline: 0939 714 275
tiemthuocbacsaithanh
Thuocbacsaithanh
CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
– Nhân Sâm– Đăng tâm thảo
Bài Viết Liên Quan
BÀI 1268 – Gừng: Vị thuốc, gia vị tốt cho dạ dày
Trong dân gian, Gừng là một vị thuốc hỗ trợ tiêu hóa chữa chứng rối loạn [...]
Th10
BÀI 1267 – Bạn đã biết hết các tác dụng chữa bệnh của gừng?
Gừng (Zingiber officinale Rose.), họ gừng (Zigiberaceae) là cây thuốc nam được trồng hầu như [...]
Th10
BÀI 1266 – 9 tác dụng của atiso và lưu ý khi sử dụng để an toàn cho sức khỏe
Atiso được từ xưa đã được nhiều người tin dùng vì không những thơm ngon [...]
Th10