Sâm Ngọc Linh là dược liệu quý trời ban cho Việt Nam, thu hoạch sau khi trồng khoảng 6-7 năm, nhưng để càng lâu thì giá trị càng cao. Và, tương ứng với số năm tuổi sâm là số lần cây sâm “ngủ đông”. “Mùa sâm ngủ đông, nhìn lá cứ héo rũ ra như cây sắp chết, nhưng nó vẫn sống”, già làng Hồ Văn Du kể.
Những kho báu ngủ yên
Tại Trạm dược liệu Trà Linh (thuộc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), ở phía bên trên tầng cây, những vạt nắng buổi sớm xuyên qua tán lá, soi những đường nắng chéo xuống vườn sâm đang vào thời kỳ “ngủ đông”. Thời điểm “ngủ đông” của cây sâm Ngọc Linh khoảng tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, sâm sinh trưởng âm thầm trong lòng đất. Trước đó, trong quá trình phát triển tự nhiên của cây sâm, khoảng thời gian cuối tháng 8, cây sâm Ngọc Linh bắt đầu chín hạt, rồi rũ lá đến tận cuối tháng 10.
Sau này, khi cây sâm Ngọc Linh được người dân trồng nhiều và khi có kinh nghiệm hơn, họ đã chủ động thu hoạch hạt sâm để gieo cây tạo giống mới, cắt lá sâm đem bán, gọi là “dưỡng sâm”, bởi nếu cứ để cây sâm nuôi lá trong quá trình héo rũ, củ sâm sẽ bị suy kiệt trong mùa “ngủ đông”. Sau khi cắt hết lá, người dân lấy lau hoặc lá mục che phủ một lớp dày nhằm giữ ẩm cho củ sâm và chống xói mòn nếu có mưa to tạo thành dòng nước chảy ngang vườn sâm. Sau đó, người dân huy động nhân công tạo rãnh, đường thoát nước, tránh tình trạng nước tràn sẽ cuốn trôi củ sâm.
Nhiều công việc là vậy, thế nên mùa này lên Trạm dược liệu Trà Linh, người làm việc rất nhiều. Đặc thù của cây sâm Ngọc Linh là sống ở độ cao từ 1.200m so với mặt nước biển trở lên và đạt mật độ dày nhất ở độ cao 1.700-2.000m. Ở những độ cao này, khi trời chuyển đông, cái lạnh giá như cắt đứt da thịt. Người Xê Đăng vùng núi Ngọc Linh phải dùng thứ bột lá thuốc chống lạnh bí truyền tên “kă crâu” để vượt qua mùa đông. Thấy chúng tôi co ro đứng trong nắng sớm, già làng Hồ Văn Du cười lớn, bảo: “Đi nào, đi cho nóng người, đi ra xem người ta ươm mầm sâm”.
Chúng tôi đi qua những luống sâm được phủ kín lá mục. Nếu không được nói cho từ trước, chúng tôi chẳng thể biết ở phía dưới lòng đất là cả một kho báu của đất trời đang ngủ yên. Thi thoảng, chỉ còn một vài cây sâm ra hạt muộn, được nhân viên ở trạm lấy lưới mắt nhỏ bảo vệ chùm hạt đỏ tươi. Những hạt đỏ nhỏ bé này là nguồn giống quý giá để tiếp tục bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh.
Ở phía xa, một nhóm chừng 5 người đang dùng tay gieo những hạt sâm đỏ tươi xuống một luống đất được quây cẩn thận bằng 4 thanh gỗ, cao hơn so với mặt đất chừng 15cm. Trong thời buổi củ sâm Ngọc Linh ngày càng có giá, lá và hạt sâm cũng mang lại giá trị cao. Một loại cây có giá trị cao từ lá, hạt, củ như thế này thì việc trồng và bảo vệ vô cùng khó khăn.
Chốt canh trong giá lạnh
Đừng nghĩ biến đổi khí hậu chưa ảnh hưởng đến vùng núi cao quanh năm mây phủ, chính sự biến đổi khí hậu đã làm thay đổi phần nào nhiệt độ, độ ẩm, nguồn nước tại vùng sâm quý giá này. Thủ phủ sâm Trà Linh là huyện Nam Trà My (Quảng Nam) ở độ cao chừng 1.200m so với mặt nước biển mà có những ngày độ ẩm không khí dưới 40% trong khi nhiệt độ có lúc lên đến 300C. Các khe suối ít dần nước, có khe suối cạn kiệt. Thời tiết diễn biến cực đoan ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sinh trưởng, phát triển của cây sâm dù quy trình chăm sóc nghiêm ngặt hơn.
Ngoài chăm sóc cây sâm, những người ở vườn sâm Ngọc Linh còn có những “cuộc chiến” khác với những kẻ trộm sâm, với mưa rừng, với chim, chuột… Bao nhiêu vườn sâm là bấy nhiêu kho báu, vậy nên vào mùa sâm “ngủ đông”, người dân phải canh gác vườn sâm 24/24 giờ. Ở vùng Ngọc Linh, mọi người canh sâm theo chốt. Theo thống kê, có tất cả 47 chốt ở vùng sâm này. Có một luật bất thành văn là ca trực nào làm mất sâm thì sẽ phải đền sâm cho những hộ gia đình cùng chốt.
Ban ngày, người trong ca trực tại chốt sẽ kiểm tra quanh vườn sâm rộng cả héc ta để kịp thời xử lý nước lũ xói lở, cây cối ngã đè lên luống sâm; ban đêm phải tuần tra liên tục quanh vườn sâm để đuổi chuột, chồn bay chuyên ăn sâm, hoặc kẻ trộm lén đột nhập vào nhổ sâm. Thời tiết vùng Ngọc Linh mùa này rất khắc nghiệt, ban đêm nhiệt độ xuống 100C và sương giăng mịt mù nên việc bảo vệ sâm gặp nhiều khó khăn. Và ở vùng này, chống lạnh chỉ có rượu với thuốc “kă crâu”.
“Trong số những thứ có thể gây hại cho sâm, sợ nhất là chuột sâm. Loài chuột này rất tinh ranh, phải có kỹ năng mới bắt được. Có mưa rét đến mấy, mùa này người cũng phải ăn ngủ cùng sâm”, anh Hồ Văn Tấn (thôn 3, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My) nói. Người dân vùng Ngọc Linh nghĩ ra đủ cách để bẫy chuột, từ bẫy dây, bẫy đá, bẫy sắt… để bảo vệ vườn sâm trị giá hàng chục tỉ đồng của mình.
Chuột sâm là tên gọi của người đồng bào Xê Đăng đặt cho loài chuột núi chuyên ăn sâm, có lông màu vàng, thường đi ăn hạt sâm vào mùa hạt chín. Ngoài ra, chúng còn gặm nhấm củ sâm làm thối củ, hư cả cây sâm. Chưa kể nếu chúng đi ăn hạt sâm thành đàn, làm hư củ sâm, thiệt hại một đêm có thể lên đến cả trăm triệu đồng. Thậm chí, có những vườn sâm chỉ sau một đêm lơ là, thiệt hại cả tỉ đồng.
Già làng Hồ Văn Du có thâm niên hàng chục năm luồn rừng trồng sâm ở vùng rừng già này. Ông bảo, trước chỉ canh chuột thôi, giờ thì phải canh cả người. Những người đó không phải đổ mồ hôi, không phải đổ máu để chăm bẵm từng cây sâm nên không quý trọng cây sâm, họ chỉ cần biết bán được củ sâm là thu được nhiều tiền.
“Trồng sâm thì phải đánh dấu bằng que tre cắm dựng đứng để biết mà tránh không đạp lên, vô tình thành chỉ chỗ cho trộm. Có chốt, bà con đi soi ếch núi, mải mê quá, hôm sau trời sáng, thấy mất cả vạt sâm”, già Du kể.
Khác với những vùng núi cao khác, bà con vùng sâm Ngọc Linh đã có hướng để làm giàu. Với giá trị của cây sâm Ngọc Linh, người dân nơi đây chắc chắn sẽ giàu có. Nhưng họ cũng phải đánh đổi bằng mồ hôi, sức khỏe, đôi khi cả máu. Thế nên, nếu không có tình yêu với công việc, không có tình yêu với cây sâm thì khó ai kiên nhẫn trồng vườn sâm cả chục năm chờ thu hoạch.
Dưới những tán cây cao bảng lảng sương là những kho báu ẩn mình. Nơi đó, những củ sâm Ngọc Linh dù “ngủ đông” nhưng vẫn tiếp tục sinh trưởng, mang theo bao ước vọng về một cuộc sống ấm no, ước vọng của rất nhiều con người bệnh tật, đang mong chờ được hồi phục sức khỏe từ thứ dược liệu quý trời ban này.
LIÊN HỆ MUA SẢN PHẨM:
0939 714 275
tiemthuocbacsaithanh
Thuocbacsaithanh
CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Mùi vị của sâm Ngọc Linh rừng tự nhiên có gì khác?
Bài Viết Liên Quan
BÀI 1268 – Gừng: Vị thuốc, gia vị tốt cho dạ dày
Trong dân gian, Gừng là một vị thuốc hỗ trợ tiêu hóa chữa chứng rối loạn [...]
Th10
BÀI 1267 – Bạn đã biết hết các tác dụng chữa bệnh của gừng?
Gừng (Zingiber officinale Rose.), họ gừng (Zigiberaceae) là cây thuốc nam được trồng hầu như [...]
Th10
BÀI 1266 – 9 tác dụng của atiso và lưu ý khi sử dụng để an toàn cho sức khỏe
Atiso được từ xưa đã được nhiều người tin dùng vì không những thơm ngon [...]
Th10